Daily Archives: 23 Tháng 2, 2023

Trần Anh Group ký kết hợp tác phân phối độc quyền với các sàn giao dịch

Trần Anh Group ký kết hợp tác phân phối độc quyền với các sàn giao dịch

23 Tháng 2, 2023

Sáng 20/2, Trần Anh Group đã tổ chức lễ ký kết hợp tác phân phối độc quyền sản phẩm giữa Trần Anh Group với các sàn giao dịch trong và ngoài hệ thống.


Lãnh đạo Trần Anh Group trao chứng nhận phân phối độc quyền đến các sàn giao dịch

Đại diện Trần Anh Group cho biết: Dù thị trường đã và đang bước vào giai đoạn khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để Trần Anh Group khẳng định vị thế, tiềm lực phát triển và khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường.

Sự kiện lần này cũng chính là cột mốc hợp tác phân phối chiến lược với kỳ vọng sẽ mang những đột phá mới cho thị trường trong năm nay và mang nhiều cơ hội sở hữu, đầu tư những sản phẩm có giá trị bền vững theo thời gian cho khách hàng từ đơn vị phát triển Trần Anh Group.


Đại diện ban lãnh đạo Trần Anh Group cùng hệ thống sàn giao dịch thể hiện sự quyết tâm chinh phục những thử thách sắp tới

Trải qua hơn 15 năm hình thành và phát triển, Trần Anh Group đã khẳng định vai trò và uy tín thương hiệu trên thị trường bất động sản phía Tây TP.HCM và tiếp tục mở rộng hơn trong tương lai. Các sản phẩm của Trần Anh Group được phát triển theo hướng bền vững, tập trung cư dân sinh sống đông đúc.

Điển hình là các dự án dân cư đã được Trần Anh Group phát triển thành công thu hút nhiều cư dân sinh sống như: Khu đô thị Phúc An City nổi bật với chung cư nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại Long An; Khu đô thị Solar City, La Villa Green City, West Lakes Golf & Villas, Trần Anh Riverside, Phúc An Ashita

Đơn cử gần đây nhất là dự án Phúc An Asuka – Khu đô thị mang phong cách Nhật đầu tiên tại TP.Châu Đốc được Trần Anh Group phát triển trong năm 2022 đã đánh dấu bước phát triển thành công đầu tiên của Trần Anh tại thị trường mới An Giang.

Trần Anh Group ký kết hợp tác phân phối độc quyền với các sàn giao dịch

Hình thực tế khu đô thị Phúc An Asuka giữa trung tâm thành phố Châu Đốc

Với quy mô hơn 2.000 sản phẩm nhà phố biệt thự, shophouse tại trung tâm thành phố lễ hội Châu Đốc được đông đảo khách hàng tin tưởng và lựa chọn, Phúc An Asuka đã và đang trở thành khu đô thị đa năng và sở hữu không gian sống đầy màu sắc với hơn 20 tiện ích phong cách Nhật độc đáo giúp nâng niu giá trị sống tinh thần cùng tiềm năng sinh lời hấp dẫn.

Mỗi sản phẩm nhà ở do Trần Anh Group phát triển đều mang tâm huyết của người trong nghề, sự chuyên nghiệp và chất lượng để làm hành trang phát triển một tập đoàn bất động sản uy tín và ngày lớn mạnh trên thị trường, đồng thời kiến tạo những giá trị sống bền vững cho khách hàng.

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/tran-anh-group-ky-ket-hop-tac-phan-phoi-doc-quyen-voi-cac-san-giao-dich-54895.htm

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh nhà đầu tư có nên “mua đuổi”?

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh, nhà đầu tư có nên “mua đuổi”?

23 Tháng 2, 2023

Đà bứt phá của nhóm cổ phiếu BĐS như “mồi lửa” giúp thị trường trở nên sôi động. Song liệu nhà đầu tư có nên “mua đuổi” nhóm cổ phiếu BĐS trong thời điểm này?

Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới bằng phiên giao dịch đầy khởi sắc khi dòng tiền ồ ạt kéo vào đẩy chỉ số tăng vọt. Sắc xanh phủ sóng ở hầu hết các nhóm ngành, song tâm điểm chú ý vẫn dồn về nhóm cổ phiếu bất động sản.

Sau thời gian “ngụp lặn” với mức giảm sâu, nhóm cổ phiếu BĐS bất ngờ trỗi dậy bật tăng mạnh mẽ. Hàng loạt “cổ đất” tăng hết biên độ, trắng bên bán, dư mua hàng triệu đơn vị trong phiên 20/2 có thể đến như CEO, API, LDG, NVL, HPX, PDR, DIG, DXG,…

Đà tăng của nhóm phiếu BĐS được đánh giá xuất phát từ những kỳ vọng sau cuộc họp cuối tuần vừa qua của Chính phủ với các ban ngành, doanh nghiệp lớn nhằm tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được đề xuất. Đơn cử như gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay cả người xây dựng và người mua nhà ở xã hội; các kiến nghị về tháo gỡ vướng mắc pháp lý… Trước đó, dự thảo Nghị định 65 sửa đổi cũng được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp BĐS “dễ thở” hơn.

Đà bứt phá của nhóm cổ phiếu BĐS như “mồi lửa” giúp thị trường trở nên sôi động. Song liệu nhà đầu tư có nên tham gia nhóm cổ phiếu BĐS trong thời điểm này?

Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, với những nhà đầu tư lướt sóng có thể cân nhắc giải ngân vào các cổ phiếu BĐS vì khả năng cao nhóm này vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Thứ nhất, tâm lý nhà đầu tư đã phần nào được giải toả sau cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản. Khả năng cao nhóm này sẽ có một đợt sóng đầu cơ, mang tính chất tâm lý trước kỳ vọng đón đầu những thông tin về giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS trong thời gian tới.

Thứ hai, nhiều cổ phiếu bất động sản đã giảm rất sâu trước những thông tin tiêu cực trong thời gian qua. Chỉ số VNREAL – đại diện cho nhóm cổ phiếu BĐS trên sàn HoSE, cũng rơi một mạch từ đỉnh xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 5 năm, tương đương với đáy Covid. Đặc điểm của nhóm này là giảm nhanh hồi mạnh nên chỉ cần có tín hiệu tích cực sẽ nhanh chóng bật tăng trong ngắn hạn.

Dù vậy, ông Minh nhấn mạnh nhóm cổ phiếu BĐS mang tính chất đầu cơ cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi những khó khăn vẫn chưa được gỡ bỏ. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên tham gia lướt sóng với tỷ trọng vừa phải, đặc biệt hạn chế sử dụng đòn bẩy để tránh cú đảo chiều bất ngờ.

Đối với những nhà đầu tư theo trường phái cơ bản, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng nhóm cổ phiếu BĐS có thể sẽ là lựa chọn phù hợp từ cuối năm 2023 và đầu 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS có tình hình tài chính tốt có thể cân nhắc sớm hơn khi giá của nhóm cổ phiếu BĐS đã về vùng đáy Covid 2020.

Thực tế, nhóm cổ phiếu BĐS được dự báo vẫn còn không ít thách thức phải đối mặt trong thời gian tới.

Đội ngũ phân tích BSC cho rằng doanh nghiệp bất động sản vẫn khó huy động nguồn vốn từ khách hàng vì niềm tin của người mua nhà giảm, nhu cầu thực chưa được đáp ứng, nhu cầu đầu tư giảm mạnh và hạn chế trong việc tiếp cận khoản vay. Trong khi đó, các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và cổ phiếu gặp nhiều “cơn gió ngược”, thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh áp lực đáo hạn trái phiếu tập trung vào 2023 – 2024, môi trường lãi suất cao cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả các doanh nghiệp phát triển bất động sản và người mua nhà.

Theo đó, BSC cho rằng ngành BĐS đang bước vào giai đoạn ảm đạm tạm thời, giai đoạn tái cấu trúc toàn diện để sẵn sàng đón đợi chu kỳ tiếp theo của ngành. Triển vọng trong dài hạn tích cực khi nhu cầu nhà ở thực vẫn cao và nguồn cung dần được “cởi trói” nhờ hai yếu tố.

(1) Tiến độ hoàn thiện pháp lý được đẩy mạnh, thị trường hướng đến sự minh bạch, lành mạnh, tăng tính bền vững thông qua Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, Luật đất đai sửa đổi và Quyết định số 1435/QĐ-TTg.

(2) Hạ tầng kết nối được phát triển đồng bộ sẽ dần kéo nhu cầu thực sang các khu vực ngoại thành, giảm tải áp lực cho các thành phố lớn nơi quỹ đất còn lại rất hạn chế.

Nguồn: https://cafef.vn/co-phieu-bat-dong-san-dong-loat-tang-manh-nha-dau-tu-co-nen-mua-duoi-2023022021133693.chn

Khơi thông dòng vốn, giải quyết tín dụng cho bất động sản

Khơi thông dòng vốn, giải quyết tín dụng cho bất động sản

23 Tháng 2, 2023

Các giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, các chuyên gia cũng như chính doanh nghiệp nêu ra, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, không ai giải cứu ai”.

Đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay

Báo cáo tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho bất động sản (BĐS) do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 17.2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết năm 2022 nguồn cung nhà ở khan hiếm; cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà trung, cao cấp trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, số lượng rất hạn chế.


Thị trường bất động sản đang có sự lệch pha cung – cầu, tín dụng cho bất động sản chủ yếu ở phân khúc giá trị cao

Về giá nhà ở, đất nền liên tục tăng trong quý 1 và 2; quý 3 chững lại; quý 4 giảm ở một số dự án nhưng không nhiều, hầu hết vẫn giữ ở mức cao đã thiết lập từ cuối quý 2. Năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) BĐS gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu DN (TPDN). Trong khi đó, lãi suất (LS), tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm…

Khó khăn của thị trường BĐS đã kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề, ảnh hưởng an sinh xã hội. Các tổ chức, cá nhân là khách hàng mua BĐS không được giải ngân cho vay dẫn đến DN không bán được hàng để thu hồi vốn và tái đầu tư. LS cho vay cuối năm 2022 tăng càng tạo thêm khó khăn trong huy động vốn. Nhiều DN BĐS phát hành lượng trái phiếu lớn, có hạn trả nợ là cuối 2022 và 2023, thậm chí là trả nợ trái phiếu trước hạn nên lại thêm áp lực lớn về dòng tiền. Bên cạnh đó là các vướng mắc về pháp luật quy hoạch, đầu tư, đất đai (xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất) khiến DN BĐS trăm bề khó khăn.

Về giải pháp, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét thông qua các luật đang sửa đổi: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS…; thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030“. Đồng thời, đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2016) cấp cho các ngân hàng (NH) thương mại để cho các dự án NOXH, nhà ở công nhân vay.

Theo Bộ Xây dựng, cần điều hành hạn mức tín dụng phù hợp; giãn nợ gốc, lãi vay cho các DN BĐS khó khăn, tạo điều kiện cho khách mua nhà được tiếp cận vốn tín dụng. Có những giải pháp linh hoạt, kịp thời cho các dự án, khách hàng có phương án vay vốn khả thi, có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên cho vay đối với các dự án NOXH, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp. Sớm giảm LS cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS…

Gỡ khó trái phiếu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ này sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.

Ông Phớc cũng nêu thực tế nhiều DN BĐS có nguồn lực hạn chế, nhưng vẫn được cấp phép triển khai nhiều dự án quy mô vượt nhiều lần so với năng lực tài chính, trong khi phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, phát hành trái phiếu hoặc huy động của người mua nhà. Tình trạng này dẫn đến rủi ro về hoạt động kinh doanh cũng như rủi ro về dòng tiền, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản trên thị trường tài chính, tín dụng NH cũng như thị trường TPDN.

Vì vậy, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xem xét ban hành sửa đổi Nghị định số 65 về phát hành TPDN riêng lẻ để góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu. Yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Bộ Tài chính cũng sẽ tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các DN phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ.

Lúc làm ăn có lãi phải bù trừ lúc thua lỗ

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những vấn đề nổi lên của thị trường BĐS. Thứ nhất, cơ cấu cung cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình, thu nhập thấp.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thứ hai, giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người; theo thông tin trên báo chí, phải mất 1 năm thu nhập bình quân đầu người mới mua được 2 m2 nhà ở cao cấp. Thứ ba, phản ứng chính sách của các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý, DN, NH) còn chậm.

Thứ tư là những vướng mắc về pháp lý. Thứ năm, nguồn vốn còn khó khăn (tín dụng, trái phiếu, các nguồn khác). Thứ sáu, quy hoạch các dự án, điều chỉnh cơ cấu các dự án còn chậm. Thứ bảy, cán bộ một số nơi, một số lúc còn ngại trách nhiệm, không dám làm. Thứ tám, các DN chưa thực sự linh hoạt, xử lý kịp thời các vướng mắc do chính mình gây ra.

Nhấn mạnh cần tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, theo Thủ tướng, BĐS bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Trong đó, điểm cân bằng, dung hòa của cung cầu thể hiện ở giá cả BĐS, giá cả phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển.

Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức NH, tài chính phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề tín dụng. Các DN BĐS phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả… Cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.

“Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các NH tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường chuyển đổi số, giảm LS huy động với sự vào cuộc của NH Nhà nước (NHNN); từ đó giảm LS cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm phí, lệ phí… Nền kinh tế có phát triển thì NH mới phát triển được.

Chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch, thực hiện nghiêm quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời và điều chỉnh các dự án trên địa bàn phù hợp điều kiện, tình hình địa phương. Sắp tới, Chính phủ sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở, nhà ở công nhân và người thu nhập thấp. Thủ tướng hoan nghênh Thống đốc NHNN tại hội nghị đã báo cáo về gói tín dụng cho lĩnh vực này.

Nhấn mạnh tinh thần của hội nghị là tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, “không ai giải cứu cho ai”, Thủ tướng nói và cho biết sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết và yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai ngay.

Ý kiến:

4 ngân hàng thương mại nhà nước thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho bất động sản

4 ngân hàng thương mại nhà nước thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho bất động sản

23 Tháng 2, 2023

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế và có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều ngành sản xuất. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng sẽ giúp khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

4 ngân hàng thương mại nhà nước thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho bất động sản

Không đặt ra room tín dụng riêng cho bất động sản

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” sáng 17/2, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những năm qua, thị trường này có tăng trưởng cao, tuy nhiên hiện nay thị trường này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Vốn cho bất động sản huy động từ nhiều kênh khác nhau, như từ thu hút FDI, trái phiếu doanh nghiệp, huy động thị trường chứng khoán, vốn và tài sản của chính doanh nghiệp, vốn huy động từ người mua nhà, nghĩa là khi khởi công, người mua nhà cũng đã mua trước tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể huy động vốn đầu tư dự án.

Đối với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản luôn có tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua. Đặc biệt, năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17%. Riêng với lĩnh vực này, tăng 24,2%, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao là 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng.

Trong cơ cấu này, trên 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở, đáng nói ở đây là chủ yếu là phân khúc giá trị cao, còn hơn 30% là cho vay đối với nhu cầu kinh doanh bất động sản.

Có thể thấy, trong năm 2022 có những khó khăn như sau. Thứ nhất, kênh trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung dài hạn để hỗ trợ tích cực để giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, trong khi đó kênh vốn ngân hàng 80% là vốn ngắn hạn, nên cần có các giải pháp khôi phục trở lại.

Về phía các ngân hàng, trong những tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 10/2022, khi sự cố của SCB xảy ra, bản thân các ngân hàng thương mại phải lo về thanh khoản, để bảo đảm bất cứ người dân rút tiền lúc nào đều có khả năng trả nên chính bản thân các ngân hàng thương mại phải cân đối nguồn vốn cho phù hợp để cấp tín dụng cho bất động sản vì tín dụng bất động sản thường là giá trị lớn, kỳ hạn dài. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng tự quyết định trong việc cấp tín dụng.

Các dự án bất động sản, 70% vướng mắc về mặt pháp lý. Khi chưa có đủ cơ sở pháp lý và xác định được giá đất, bản thân các dự án phải bảo đảm tính khả thi, chứng minh được khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa chứng minh được nên bản thân tổ chức tín dụng khó có thể cho vay, đây là ý kiến phản ánh trong hội nghị tín dụng bất động sản mà các ngân hàng đã nêu. Vì vậy, nếu vướng mắc về mặt pháp lý được tháo gỡ, sẽ giúp cho khơi thông dòng vốn tín dụng của ngân hàng.

Về mất cân đối cung cầu trên thị trường, về phân khúc cao cấp, ở đây tín dụng trong những năm qua vào lĩnh vực này khá lớn. Hiện nay, với những dự án vừa chưa có cơ sở pháp lý, giá nhà chưa phù hợp nên khách hàng chưa quyết định mua. Vì vậy, phân khúc này cần hoàn thiện thủ tục pháp lý, đã xây xong nhà phải có sổ hồng, sổ đỏ thì người dân mới mua và lưu ý về giá cả như Thủ tướng nói. Nếu hai điều này được cân nhắc và có sự điều chỉnh thì sẽ kích thích nhu cầu mua nhà đối với phân khúc cao cấp này.

Với phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội, đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2022, cả nước có 682 dự án với 301.967 căn hộ, dự án nhà ở xã hội có 150 dự án, 19.967 căn hộ. Phải có những giải pháp thúc đẩy nguồn cung với doanh nghiệp xây dựng phân khúc này, từ đó, thúc đẩy nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

“Với NHNN, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, tôi cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở; tiết kiệm chi phí hoạt động để cho vay với lãi suất thấp hơn”, Thống đốc NHNN nói.

“Với NHNN, qua những ý kiến, chúng tôi có quan điểm như sau, để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững thì cần phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi”.

Về định hướng tín dụng, năm nay, chúng tôi tăng trưởng 14-15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái. NHNN cũng không có room kiểm soát riêng tín dụng về bất động sản.

4 ngân hàng thương mại nhà nước thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Về đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, bà Hồng cho biết, NHNN nhận thấy rằng, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản. Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.

NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Các ngân hàng thương mại nhà nước cũng thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 – 2%/năm lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. “Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp.

Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.

“Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chúng tôi thấy nhiều ý kiến, đó là Bộ Xây dựng cần rà soát tất cả các dự án, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, gắn với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử và giải pháp tháo gỡ riêng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này”, Thống đốc NHNN nêu rõ.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/4-ngan-hang-thuong-mai-nha-nuoc-thong-nhat-danh-goi-tin-dung-120000-ty-dong-cho-bat-dong-san-post315378.html